Cả nước đã ghi nhận 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, vẫn có bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng

  • 2024/11/22 02:23

Thời gian gần đây tại một số cơ sở y tế vẫn ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch. Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, trong đó tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng...

Nhiều cha mẹ vẫn chủ quan khi con mắc sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.

Tại TP HCM, tính từ ngày 11/11-17/11 (tuần 46), ghi nhận 695 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 là 12.013 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, trong thời gian qua tại 3 bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tục ghi nhận ca sốt xuất huyết trẻ em, nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch do chủ quan.

Cả nước đã ghi nhận 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, vẫn có bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng- Ảnh 1.

Các y bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.

Các bác sĩ nhận định, nhiều trường hợp gia đình chủ quan, cho trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện trễ trong tình trạng nặng, sốc, suy đa cơ quan.

Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 6.243 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023.

Cũng trong tuần qua ghi nhận 33 ổ dịch sốt xuất huyết (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 15 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đống Đa, Ba Vì, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Phú Xuyên, Quốc Oai, Tây Hồ, Thường Tín. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 334 ổ dịch. Hiện còn 58 ổ dịch đang hoạt động.

Tuy nhiên CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch hằng năm.

Mới đây, các bác sĩ Khoa Sản của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận sản phụ B.H.N (27 tuổi, ở Hà Nội) đang mang thai con đầu lòng bị sốt xuất huyết ngày thứ 5.

Tại thời điểm nhập viện, sản phụ trong tình trạng kiệt sức với sốt cao liên tục từ 38-39 độ C, không tự đi lại được, li bì và mệt mỏi. Đặc biệt, trên cơ thể xuất hiện nhiều ban xuất huyết điển hình, cùng với đó là dấu hiệu chuyển dạ, ối vỡ sớm, tiểu cầu hạ thấp nghiêm trọng. Bệnh nhân được chẩn đoán thai 38 tuần, vỡ ối sớm, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.

Các bác sĩ sau đó đã ngay lập tức đưa bệnh nhân vào phòng mổ để cứu mẹ và con.

Qua trường hợp này, BSCKII Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 4 thời kỳ gồm: thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát và thời kỳ hồi phục. Bệnh có thể tiến triển nhanh từ sốt xuất huyết Dengue sang xuất huyết Dengue nặng.

Đối với phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý theo dõi sức khỏe, nhất là khi có các triệu chứng bất thường như sốt cao, mệt mỏi hoặc xuất hiện ban trên da. Việc thăm khám và xét nghiệm định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp virus khác nhau

Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%.

Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Các chuyên gia y tế cho hay, những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết đó là:

Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.

Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.

Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.

Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác...nhưng chỉ là những yếu tố phụ.

Theo Cục Y tế dự phòng, cùng với tay chân miệng, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại nước ta với có số trường hợp mắc cao được ghi nhận. Do đó, để công tác phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, triệt để, lâu dài, cần thiết phải lồng ghép, phối hợp triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng, chống dịch truyền thông như giám sát dịch, phòng chống véc tơ chủ động, xử lý ổ dịch sớm và triệt để, truyền thông phòng chống dịch…

Cả nước đã ghi nhận 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, vẫn có bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng- Ảnh 2.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Để tích cực phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Cùng đó, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Đồng thời, người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng các sản phẩm khăn lau xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối. Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi.

Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Chế độ ăn uống hợp lý cùng với việc điều trị kịp thời sẽ giúp người mắc sốt xuất huyết nhanh chóng hồi phục sau khi mắc bệnh sốt xuất huyết.

Theo SKĐS