5 dấu hiệu ở trẻ cha, mẹ cần đưa con đi khám mắt

  • 2024/12/04 08:03

Theo các nghiên cứu, hơn 80% kiến thức trẻ tiếp thu được là thông qua hình ảnh, do đó, những vấn đề về thị lực có thể gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần thường xuyên quan sát và chủ động đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở nhãn khoa nếu nhận thấy con có một trong các dấu hiệu bất thường tại mắt sau đây.

1. Nheo mắt, nghiêng đầu, dí sát mắt khi nhìn vật

Khi mắc tật cận thị, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc xác định và quan sát vật thể ở xa. Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của tật cận thị đó là trẻ thường xuyên dí sát mắt hay nheo mắt để nhìn rõ vật, cố nghiêng đầu để phụ thuộc vào mắt có thị lực nhìn xa tốt hơn. Khi đó, ba mẹ nên cho trẻ đi khám mắt sớm để đeo kính hoặc thay số kính phù hợp. Càng để tình trạng này kéo dài lâu ngày, trẻ càng có khả năng cao bị cận nặng hơn. 

Đặc biệt, khi ở trong lứa tuổi học đường, độ cận trên mắt của trẻ có xu hướng tăng nhanh theo quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể. Độ cận tăng nhanh không chỉ khiến trẻ khó chịu, vướng víu khi phải liên tục thay đổi tròng kính dày hơn, mà còn gặp khó  khăn trong việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật khúc xạ trong tương lai, đồng thời, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác tại mắt. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần bị cận thị nhẹ (1 - 3 diop), trẻ đã có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn gấp 2 lần, bị bong võng mạc cao hơn gấp 3 lần so với người bình thường. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để phòng tránh tiến triển cận thị hiệu quả.


Trẻ dí sát mắt khi nhìn vật.

2. Lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng

Các biểu hiện như lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn có thể là dấu hiệu của tật loạn thị. Trẻ em có thể mắc loạn thị do di truyền, do gặp phải các chấn thương, phẫu thuật hoặc bệnh lý tại mắt khiến hình dạng nhãn cầu không đều.

Hệ quả của loạn thị có thể dẫn đến hình ảnh bị biến dạng, méo mó, xuất hiện bóng mờ đằng sau vật thể thực. Điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng tới quá trình học tập và sinh hoạt của trẻ. Ba mẹ cần cho trẻ đi khám mắt sớm để đeo kính có số độ loạn phù hợp.


Trẻ nhạy cảm với ánh sáng.

3. Ngứa đỏ mắt, dụi mắt

Nếu như trẻ đột nhiên có biểu hiện đỏ mắt, ngứa cộm như có vật thể lạ trong mắt và hay đưa tay lên dụi mắt, đây có thể là triệu chứng của bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) - một bệnh lý phổ biến ở trẻ em trong thời điểm giao mùa. Đau mắt đỏ có thể đến từ 3 nguyên nhân chính là virus, vi khuẩn và dị ứng.

Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp đơn giản, nhưng người bệnh không nên tự ý mua thuốc để chữa trị tại nhà. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt để có chỉ định chăm sóc mắt đúng cách từ bác sĩ, đồng thời phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây nên như xuất huyết dưới kết mạc, giả mạc, viêm loét giác mạc,...


Trẻ thường xuyên dụi mắt.

4. Lạc chỗ khi đọc văn bản, cần dùng tay chỉ chữ, mắt khó tập trung khi nhìn vào một chỗ

Khả năng hợp thị thể hiện mức độ hiệu quả của việc kết hợp thị lực giữa hai mắt với nhau. Một số dấu hiệu cảnh báo mắt trẻ có khả năng hợp thị kém đó là lạc chỗ khi đọc văn bản, khó tập trung nhìn theo một vật, cần dùng tay để chỉ hướng mắt. Trong trường hợp này, hai mắt của trẻ chưa phối hợp tốt với nhau. Nguyên nhân có thể do yếu tố bẩm sinh hoặc các cơ mắt mất khả năng kiểm soát. 

Lâu dần, việc hợp thị kém có thể dẫn đến nhược thị hoặc lác mắt. Ba mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện chuyên khoa mắt để thăm khám và nhận phác đồ điều trị càng sớm càng tốt.


Trẻ cần dùng tay để chỉ chữ khi đọc văn bản.

5. Chảy nước mắt sống, không rõ lý do

Ba mẹ không nên chủ quan khi trẻ có biểu hiện chảy nước mắt thường xuyên mà không rõ nguyên nhân. Đây có thể là biểu hiện của bệnh chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo, khiến nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi mà trào ra ngoài.

Nếu không được kiểm soát sớm, bệnh có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn, viêm túi lệ, gây đau nhức cho trẻ trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Tùy vào giai đoạn của bệnh, bác sĩ nhãn khoa sẽ đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp như sử dụng thuốc, bơm rửa và thông lệ đạo hoặc phẫu thuật.


Trẻ chảy nước mắt không rõ nguyên nhân.

Trong thời đại công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử, tỷ lệ mắc các tật khúc xạ cũng như các vấn đề thị lực theo đó gia tăng, vậy nên, việc chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ cần được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, trẻ thường khó phát hiện những dấu hiệu bất thường và chia sẻ với bố mẹ, do đó, phụ huynh cần chủ động nhận biết và đưa con nhỏ đến bệnh viện thăm khám và nhận giải pháp điều trị hợp lý, giúp trẻ có một cuộc sống khỏe mạnh và học tập hiệu quả hơn.

Minh Khương